Liên kết website :












[ Đăng ngày: 17/09/2024 ]
Trong giai đoạn chống Pháp chống Mỹ (1945 - 1975) bao người con đất Việt đã hy sinh trong chiến đấu để đất nước được thống nhất, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Nhiều chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh thầm lặng, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được tung tích, hài cốt. Trong số những anh hùng liệt sĩ ấy, có những người đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc với những chiến công, hành động quả cảm, những tính cách độc đáo phi thường.

Nhà xuất bản Trẻ Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương xuất bản Tác phẩm Bông hoa trến tuyến lửa (tiểu thuyết Anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên) của tác giả Phan Đức Nam, in 300 cuốn khổ 14cm x 20cm, sách dày 194 trang, ấn hành năm 2013. Tiểu thuyết  viết về nữ anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên, là tiểu đội trưởng đã hy sinh ở tuổi 22. Tư liệu về anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên rất ít, có thể tóm gọn chưa tới nửa trang A4 nên trước khi viết tiểu thuyết này tác giả đã rất đắn đo, sau đó lại nghĩ “Trong hàng triệu thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam, có nhiều anh hùng hoạt động lâu dài, chiến đấu dữ dội, không ít người giữ chức vụ cao. Thời thế tạo anh hùng đã có nhiều người hy sinh sao không nổi tiếng? Mà lại chọn cô gái nhỏ bé đất Bình  Dương - liệt sĩ  Đoàn Thị Liên làm tấm gương  điển hình cho lực lượng thanh niên xung phong? Vậy chắc chắn cô gái này phải có cái gì nổi bật hơn bao đồng đội khác. Chắc chắn cô phải được nhiều người yêu mến, kính phục”. 

Tác giả Phan Đức Nam đã khắc họa nhân vật trong tác phẩm qua 9 phần: 

Gia đình cách mạng
Mùa bông trang nở
Đánh đồn Chánh Lưu và phá ấp chiến lược
Chiếm bót Nhà Đỏ
Đôi bạn
Chị em
Chiến trường còn thương binh thì thanh niên xung phong chưa rời trận địa
Đêm văn nghệ giữa rừng
Cái không mất thường ở trong nước mắt

Tác phẩm đi từ những điều bình dị của cuộc sống đến những trận đánh, bom lửa của chiến tranh trên mảnh đất Bình Dương, tất cả đều được tác giả phác họa một cách chân thật nhất.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh gia đình ông Sáu Náo (cha Đoàn Thị Liên) chào đón đứa con gái nhỏ vừa được bà Nhồng (mẹ Đoàn Thị Liên) hạ sinh là Đoàn Thị Liên trong những tràng súng nổ giòn của tụi lính Pháp, là hình ảnh của một gia đình cách mạng gan dạ và căm thù giặc xâm lược. Cô gái nhỏ cũng lớn lên, ý chí và lòng can đảm, lòng yêu đất nước cũng ngày một lớn lên. Sống trong thời thế và cái nôi cách mạng của gia đình đã tạo nên một cô gái Đoàn Thị Liên dịu dàng nhưng lại rất dũng cảm, luôn nhận phần khó về mình, hết lòng yêu thương bộ đội, thương binh.

Mặc dù không trực tiếp chiến đấu nhưng Liên là nữ  thanh niên xung phong tham gia phục vụ rất nhiều trận chiến đấu, những lúc đó cũng phải băng mình trong mưa bom bão đạn, Liên đã động viên nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần với đồng đội của mình “Chiến trường còn thương binh thì thanh niên xung phong chưa rời trận địa”. Câu nói gọn ghẽ của người nữ thanh niên xung phong Đoàn Thị Liên toát lên một sự quyết tâm và đầy trách nhiệm, chỉ có thể xuất phát từ một trái tim dũng cảm, một tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương giữa con người với con người. 

Cô gái nhỏ tuổi mới đôi mươi cũng tràn ngập xuân thì, đáng yêu, nhí nhảnh nhưng trách nhiệm vì đất nước còn chiến tranh, nước mình chưa độc lập, cô bảo “những người sợ chết không dám làm gì hết” nên lúc nào cô cũng là người mạnh dạn xông pha. Xúc động nhất là hình ảnh “Liên không kịp nghĩ gì hết, lao tới, dùng thân mình che chở kín miệng hầm mà hai anh thương binh đang nấp…”, hình ảnh “Một mảnh pháo lớn xuyên vào sườn Liên! Nhiều mảnh khác cắm chi chít trên tấm lưng nhỏ bé..”

Cuối tác phẩm là hình ảnh, câu nói cuối cùng của anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên trước khi hy sinh “thà hy sinh chứ không để các anh bị thương lần thứ hai” đã trở thành tuyên ngôn xúc động của lực lượng thanh niên xung phong, có lẽ sẽ còn vang vọng mãi với thời gian.

Chị trở thành tấm gương sáng, là nhận vật điển hình của lực lượng thanh niên xung phong. Có lẽ vì thế mà khi chị mất, tên Đoàn Thị Liên được tỉnh Bình Dương đặt tên đường, trường, công viên, được tạc tượng, dựng bia,…

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn tiểu thuyết Bông hoa trên tuyến lửa của nhà văn Phan Đức Nam, hiện đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Bình Dương.

Nguyễn Thị Thanh Vân - Thư viện tỉnh
CÁC TIN KHÁC