Liên kết website :











[ Đăng ngày: 19/10/2023 ]
“ Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”. Tác giả Vũ Dương Thúy Ngà. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2017. Tái bản có bổ sung.  Sách dày 247 tr, khổ 19cm. 

Hiếu học và ham đọc sách là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần hình thành trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và phong thái của con người Việt Nam. Giở lại trang lịch sử, các nhà hoạt động chính trị và các học giả Việt Nam lỗi lạc đều là những con người không ngừng quan tâm đến đọc sách và tự học

Chủ Tịch Hồ Chí Minh là người đã tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp  của dân tộc. Bằng sự nỗ lực không ngừng tự học, tiếp thu tinh hoa của nhân loại và dân tộc qua đọc sách báo, Người đã tìm ra con đường đi cho Cách mạng Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc.

Đọc sách báo và tự học là con đường tất yếu mà mỗi con người đều cần phải trải qua để phát triển trí tuệ, để tiếp thu kinh nghiệm và tri thức, vận dụng một cách sáng tạo phục vụ cho dân tộc và nhân loại. Sinh thời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần phải đọc để không mù lại, người làm công an cần phải đọc để nắm tình hình. Những người làm công tác chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc…Cuốn sách đã sưu tầm được các tư liệu, lựa chọn được các chi tiết để phác họa nên chân dung của những con người xuất chúng ấy gắn liền với việc thực hiện học suốt đời và tự học qua sách báo.

Tác phẩm gồm hai nội dung trọng tâm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tấm gương ham đọc sách và tự học vĩ đại của dân tộc.

Phần một của quyển sách, viết về Chủ Tịch Hồ Chí Minh với sách báo và đọc sách báo. Bằng nguồn tư liệu dồi dào và không ít tư liệu quí hiếm, tác giả khẳng định vai trò của việc tự học và đọc sách, báo đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đó, tác giả nêu rõ sự chú trọng đặc biệt của Người trong việc khuyến đọc, xây dựng nơi đọc sách, báo cho nhân dân, khuyến khích mọi người thực hiện việc học suốt đời với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, Bác Hồ đã được cha truyền dạy lòng trân trọng và ham mê đọc sách. Ngay từ thuở thiếu thời, Bác luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo “ Học phải có sách” và “ Việc đọc sách là đáng quí lắm, ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói, nhịn khát”. Chính sự giáo dưỡng ấy đã nuôi lớn tâm hồn Hồ Chí Minh, khiến sách báo trở thành người bạn đường thân thuộc của Người trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc đời của Bác, chúng ta sẽ có thêm những minh chứng rất chân thực và hùng hồn cho thấy sách là người bạn đường tri kỷ của Bác.

Ở phần II “ Một số tấm gương ham đọc sách và tự học của những người lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh”, tác giả tập trung viết về 8 nhân vật gồm: Tổng Bí thư Lê Duẩn với đọc sách và học tập suốt đời; Đại tướng Võ Nguyên Giáp vị đại tướng huyền thoại với đọc sách và tự học; Tạ Quang Bửu một thiên huyền thoại về tự học và ham đọc sách; Trần Đại Nghĩa tấm gương hiếu học, yêu đọc sách của ông vua vũ khí; Lương Định Của nhà bác học không ngừng học; Đào Duy Anh cánh chim tinh vệ trước bể học không cùng; Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng với đường vào khoa học và con đường dẫn đến thành công của nhà toán học Hoàng Tụy. Đây là những trí thức tiêu biểu cho các lĩnh vực khoa học khác nhau của Việt Nam, đều đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học có giá trị đóng góp cho đất nước, cũng như được ghi danh bởi nền học thuật quốc tế.

Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ không ngừng phát triển, nâng cao khả năng tự học và đẩy mạnh việc đọc sẽ làm cho người dân, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện để phát triển trí tuệ, hình thành nên những con người có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức, nâng cao kỹ năng làm việc để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Những bài học rút ra từ “ Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” rất đáng để độc giả tìm đọc, suy ngẫm, áp dụng và làm theo. 

Sách có tại Thư viện tỉnh Bình Dương với ký hiệu: M.219476, M219477, M219478, M219479.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

Phương Anh – Thư viện Thủ Dầu Một
CÁC TIN KHÁC