Liên kết website :












[ Đăng ngày: 26/09/2024 ]
Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là “chìa khóa” để tiếp cận bạn đọc nhiều hơn, cải thiện quy trình làm việc của thư viện, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người sử dụng trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin, góp phần lan tỏa văn hóa đọc và nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
 
Tập huấn CĐS tại tỉnh Kiên Giang
Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23/7/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện và Kế hoạch số 4628/KH-UBND ngày 14/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Những năm qua, Thư viện tỉnh Bình Dương đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch tỉnh để triển khai thực hiện, đồng thời khuyến khích các viên chức đơn vị tích cực học tập, sáng tạo để ngày càng nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ bạn đọc.

Về nhân lực, thư viện thường xuyên tạo điều kiện để viên chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyển đổi số do Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia, Liên hiệp Thư viện khu vực Đông Nam bộ và Cực Nam trung bộ, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Từ năm 2021 đến nay, thư viện đã tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử 27 lượt viên chức tham gia tập huấn. Các lớp tập huấn với những nội dung thiết thực như Năng lực chuyển đổi số và quản trị thư viện số, Số hóa tài liệu, Chỉnh lý – chuẩn hóa tài liệu, Thực thi quyền tác giả trong chuyển đổi số, Chuyển dạng tài liệu dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in, Chuẩn hóa dữ liệu thư mục, Tạo lập và tổ chức phục vụ tài nguyên số,... đã nâng cao nhận thức và kỹ năng của đội ngũ viên chức thư viện trong tiến trình chuyển đổi số.

Thư viện được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên dùng, hàng năm đều thực hiện nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo yêu cầu hoạt động, trong đó, chú trọng nâng cấp phần mềm quản lý thư viện và đầu tư máy scan để số hóa tài liệu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn được quan tâm hàng đầu. Theo đó, thư viện đã thực hiện đồng bộ các công đoạn xử lý tài liệu trên phần mềm quản lý thư viện, thực hiện việc cấp thẻ độc giả, mượn – trả sách, theo dõi, tra cứu tài liệu hoàn toàn trên môi trường mạng. Nhất là việc triển khai cấp thẻ bạn đọc trực tuyến trên phần mềm ứng dụng thông qua việc quét mã QR để tạo thuận lợi tốt nhất cho bạn đọc khi đăng ký thẻ và cũng rút ngắn được thời gian trong quá trình cấp thẻ bạn đọc.

Để quảng bá, truyền thông về hoạt động của mình, thư viện đã sử dụng website và các ứng dụng của mạng xã hội như fanpage, facebook nhằm giới thiệu các dịch vụ của thư viện để bạn đọc biết và tiếp cận. Trong đó, website là kênh chính thống để chuyển tải các thông tin trong ngành từ tỉnh đến cơ sở, cũng là kênh giao tiếp với bạn đọc thông qua mục cấp thẻ trực tuyến, tra cứu thông tin, tổ chức các cuộc thi trực tuyến,... và đồng thời, website cũng là phương tiện để thực hiện các dịch vụ của thư viện như triển lãm sách trực tuyến, sách nói, thư viện số, giới thiệu sách, kể chuyện sách qua video clip. Mỗi năm, website có trên 3 triệu lượt truy cập. Fanpage là kênh thông tin nhanh của thư viện, tất cả những hoạt động bề nổi có liên quan đến văn hóa đọc được cấp nhật thường xuyên. Thông qua trang đã có rất nhiều bạn đọc biết và kết nối với thư viện. Đến nay, fanpage đã có 3.400 người theo dõi, 2.800 lượt người thích trang.

Việc đầu tư nguồn tài nguyên thông tin luôn được thư viện quan tâm. Hàng năm, thư viện đều có bổ sung nguồn sách mới (Năm 2023 bổ sung trên 15.000 bản sách), số hóa 1.000 trang địa chí, viết và sưu tầm đưa lên website trên 2.000 tin, bài, video clip,... Để có thêm nguồn tài liệu số phục vụ độc giả, thư viện đã ký hợp đồng khai thác kho tài liệu của tailieu.vn với khoảng 1,5 triệu bản và mua bản quyền sách nói từ Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe (Voiz FM). Đến nay, thư viện đã có 1.254 bản sách nói với nội dung đa đạng ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, y tế, kinh tế, kỹ năng sống, sách thiếu nhi… từ các nhà xuất bản uy tín như: Nhà xuất bản Văn học, Kim Đồng, Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Trẻ, First News, Saigonbooks,… Bạn đọc được sử dụng sách nói hoàn toàn miễn phí.

Có thể nói rằng, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện của Thư viện tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của tỉnh nhà. Bạn đọc có nhu cầu, có thể kết nối với Thư viện tỉnh bằng nhiều cách và hoàn toàn tiếp cận dễ dàng với các tài liệu mong muốn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu, nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin vẫn còn thiếu; hệ thống máy móc, trang thiết bị cũ, cấu hình thấp, chưa đồng bộ; việc xây dựng tài nguyên thông tin dạng số có thực hiện nhưng tài liệu số của địa phương vẫn còn khiêm tốn.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của chuyển đổi số, trong thời gian tới, Thư viện tỉnh Bình Dương cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, viên chức, người lao động thư viện về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, đồng bộ với chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm xây dựng hệ sinh thái số với nội dung sâu sắc, đa dạng và dịch vụ phong phú, sinh động, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của thư viện. Trong đó, cần xây dựng thư viện mới hiện đại với các thiết bị thông minh đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Đồng thời, triển khai Dự án “Ứng dụng Công nghệ thông tin xây dựng thư viện thông minh giai đoạn 2021 -2025” đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư.

Ba là, phát triển dữ liệu số của thư viện, trọng tâm là số hóa tài liệu địa chí của tỉnh, các tài liệu quý hiếm còn được lưu trữ trong dân gian, tác phẩm của các tác giả địa phương và tác phẩm của các tác giả viết về địa phương.

Bốn là, xây dựng và phát triển nền tảng số. Đó là việc xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện; cung cấp dịch vụ trực tuyến; phát triển các ứng dụng thư viện trên thiết bị di động thông minh; xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng cùng tham gia.

Tóm lại, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành thư viện. Trong cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện. Do vậy, Thư viện tỉnh Bình Dương còn phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp tiến trình chuyển đổi số nói chung và để đảm bảo các chỉ tiêu mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra./.

Diễm Thúy - Thư viện tỉnh
CÁC TIN KHÁC